Người dân Mường Chon băng qua suối, mơ ước một cây cầu

Người dân Mường Chon băng qua suối, mơ ước một cây cầu

Thứ sáu - 16/12/2022 04:08
Mường Chon nay còn gọi bản Quăn nằm ở phía tây Bắc của huyện Con Cuông, Nghệ An. Bao đời nay, người dân Mường Chon vất vả lội suối dù nắng hay mưa, người dân nơi đây mơ ước một cây cầu.

Những ngày tháng 3 vừa qua, chúng tôi có mặt tại Bản Quăn, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, Nghệ An, để tìm hiểu về việc người dân nơi đây phải "đánh đu" với tử thần khi qua con suối Chon (khe Chon) với muôn vàn gian nan, khổ ải.

Đặc biệt, trong đó có hàng chục em học sinh hằng ngày phải đánh cược mạng sống mình mỗi khi qua con suối Chon về mùa mưa nước chảy xiết, mùa nắng có nguy cơ đuối nước rất cao.

cconcuong 1601016750857 1615587335351

Những tấm bê tông chênh vênh bắc qua khe Chon từng bị lũ cắt đứt khiến người dân phải lội suối như thế này. 

Bản Quăn thuở khai sơn lập bản gọi là Mường Chon. Bản Quăn là một bản thuần nông có 117 hộ dân, 452 nhân khẩu, sống rải rác theo dọc khe Chon, 100% là dân tộc Thái, hộ nghèo 33 hộ chiếm 28,20%, đời sống người dân ở đây gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng.

Ông Lương Thuyết Minh (60 tuổi, ở Bản Quăn, xã Bình Chuẩn) bảo, tên gọi Mường Chon có từ cách đây hơn 30 năm trước, đến nay người dân ở bản này khổ lắm, cứ mỗi lần qua suối đều phải lội, trời nắng thì còn đỡ, nếu gặp mưa lũ là bị chia cắt.

"Mấy năm trở lại đây cứ vào mùa mưa lũ thì nước suối dâng cao, chia cắt bản làng, làm cho nhân dân đi lại gặp muôn vàn khó khăn. Bây giờ bà con mong muốn có một cái cầu để đi lại, đặc biệt các cháu học sinh trong bản được đến trường thuận lợi hơn về mùa mưa lũ", ông Minh chia sẻ.  

Theo ghi nhận của PV Dân trí, suối Chon rộng khoảng 15 - 20m, có chỗ sâu hơn 1m nước. Hằng ngày, người dân và các em học sinh ở Bản Quăn băng qua trên suối trên những tấm bê tông cũ được ghép tạm bợ và rất nguy hiểm. Đặc biệt, vào mùa mưa thì người dân và các em học sinh nơi đây đều phải nghỉ học dài ngày, bởi nước suối dâng lên quá cao và rất nguy hiểm.  

Theo ông Kha Văn Pào, Bí thư Chi bộ Bản Quăn, vào mùa mưa lũ, nước lên rất lớn các cháu học sinh phải nghỉ học suốt. Hiện nay, bà con ở Bản Quăn đều sang bên kia suối để làm việc, phát triển sản xuất, kinh tế, hái các sản phẩm phụ từ rừng, làm ruộng, làm nương.

20210224103018 1615438272363

Những tấm bê tông chênh vênh trên mặt suối làm lối đi lại cho người dân. Vào mùa mưa, nước chảy xiết gây xói mòn phía dưới rất nguy hiểm cho người dân khi lưu thông trên những tấm bê tông tạm bợ này.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vi Đình Thanh - Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn cho biết, xã Bình Chuẩn có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều khe suối và hệ thống núi, Khe Chọi, Khe Chon, Khe Mét... tạo nên các vùng sinh thái khác nhau.

Người dân xã Bình Chuẩn phát triển kinh tế chủ yếu khai hoang làm ruộng nước, chăn nuôi, trồng trọt và phát triển kinh tế rừng.

Xã có 1.003 hộ với 4253 khẩu; có 7 thôn bản, thôn ít nhất 93 hộ, thôn nhiều nhất 213  hộ; đồng bào Kinh chiếm 1,1 % dân số; đồng bào dân tộc Thái chiếm 98,9% dân số. Hiện, xã vẫn còn hàng trăm hộ gia đình nghèo và cận nghèo. 

Bản Quăn hiện có 117 hộ, thì có hơn 100 hộ thường xuyên canh tác và có nương rẫy, ruộng nước ở khu vực tả ngạn khe Chon, do vậy việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn vào mùa mưa.

20210224105321 1615438271086
20210224105302 1615438268372

Những tấm bê tông cũ vỡ toác, chênh vênh được chính quyền làm tạm cho người dân đi lại, bất chấp sự nguy hiểm.

"Vào mùa mưa lũ, nước khe Chon này dâng cao lắm và rất nguy hiểm. Các em học sinh, người dân nơi đây và cả địa phương rất mong bạn đọc của báo Dân trí, các nhà hảo tâm hỗ trợ để nhân dân bản Quăn nói chung và khu vực tái định cư bản mới tại bản Quăn, xã Bình Chuẩn sớm có một chiếc cầu mới, để các trẻ, học sinh đi học và nhân dân canh tác, đi lại thuận lợi vào mùa mưa lũ", ông Thanh chia sẻ thêm.

Ông Vi Đình Thanh, Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn nhắn nhủ với chúng tôi khi chia tay: "Bà con Bình Chuẩn mong muốn bạn đọc của báo Dân trí chia sẻ, xây dựng một cây cầu, để các em học sinh đi học và nhân dân canh tác, đi lại thuận lợi vào mùa mưa lũ".

20210224101733 1615438276150

Theo quan sát, dòng khe Chon này rộng khoảng 12 - 15m, sâu khoảng 1m nước về mùa nắng.

Tác giả: Trần Phương

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây