Người phụ nữ rơi vào tình cảnh bi đát kể trên là bà Trần Thị Lương, sinh năm 1960, trú ở thôn Chằm, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Chúng tôi tìm đến thăm bà Lương, ngay sau khi nhận được thông tin về bà từ Hội Chữ thập đỏ huyện Hiệp Hòa. Vượt qua khoảng sân đất trơn trượt, bước vào bên trong căn nhà cũ nát của bà Lương, chúng tôi không khỏi xót xa cho cảnh sống tạm bợ của người đàn bà tội nghiệp.
Tất cả những gì gọi là "tài sản" của người đàn bà cô đơn này chỉ là căn nhà rộng chừng hơn chục mét vuông, chỉ đủ kê một chiếc giường nhỏ đã cũ nát, ọp ẹp. Một chiếc xô nhựa cũ cùng vài chiếc bát, đĩa đã sứt mẻ gần hết, chiếc nồi nhôm méo mó, mất 1 bên quai, thân nồi bám đầy muội than, cái màn cáu bẩn, mấy bao tải đựng quần áo cũ. Nhà bà Lương không có bếp, nên mái hiên trước nhà được tận dụng làm nơi để củi và đun nấu.
Người phụ nữ cô đơn ốm yếu vịn tay vào thành giường gượng dậy. Lúng túng không biết mời khách ngồi ở đâu, bà Lương ra hiệu có ý "nhường" chiếc giường của mình cho khách. Nhìn chiếc giường gỗ đã bị mối ăn nham nhở, thang giường đã gãy gần hết, chúng tôi không dám ngồi vì sợ nó sẽ sập xuống.
Xoắn chặt hai bàn tay vào nhau, bà Lương nhìn đăm đăm xuống nền nhà ẩm mốc. Một khoảng lặng bao trùm không gian, những hồi ức về cuộc đời cơ cực, sóng gió đang ùa về khiến bà ứa nước mắt:
Mồ côi mẹ từ nhỏ, bố lấy vợ mới nên bà Lương không được học hành đến nơi đến chốn mà phải đi ở đợ cho người ta để kiếm miếng cơm… Năm 20 tuổi, người con gái Trần Thị Lương chưa từng bước chân ra khỏi lũy tre làng, cũng vì miếng cơm manh áo mà lưu lạc lên tỉnh Lạng Sơn.
Một thân một mình nơi thị trấn giáp biên, thiếu nữ 20 tuổi ngây thơ nhanh chóng bị bọn buôn người lừa bán sang Trung Quốc. Rồi bà Lương bị ép làm vợ một người đàn ông nghèo khó ở vùng nông thôn hẻo lánh của Trung Quốc, cách xa biên giới Việt Trung đến cả ngàn cây số.
Cuộc sống ở nhà "chồng" vô cùng chật vật, bà Lương phải lên rừng từ sáng sớm đến tối mịt mới được trở về nhà. Cơ cực quá, nhiều lần muốn bỏ trốn nhưng không thạo tiếng bản địa lại không có tiền, nên bà Lương đành cắn răng chịu đựng hết năm này qua năm khác.
Kéo vạt áo lau nước mắt bà Lương kể tiếp, sau khi sinh đứa con thứ 2, bà bị bệnh hậu sản, sức lực suy kiệt không thể lao động nặng được nữa. Chờ đến khi đứa con cứng cáp, người chồng đuổi người vợ vô dụng ra khỏi nhà. Tủi nhục, uất ức nhiều lúc bà Lương muốn quyên sinh, nhưng nghĩ đến những đứa con, nghĩ đến những người thân ở quê hương, người phụ nữ bất hạnh này lại gồng mình lên để sống.
Sau nhiều năm lang thang nơi đất khách quê người, cuối cùng bà Lương cũng được giải cứu về Việt Nam. Khi đi là một thiếu nữ đang tuổi thanh xuân, lúc trở về bà Lương trở thành bà lão tiều tụy với đủ thứ bệnh trên người.
Cảm thương người đàn bà mang số phận hẩm hưu, bà con hàng xóm cùng chính quyền địa phương quyên góp dựng cho bà Lương căn nhà tình thương để bà có nơi trú ngụ. Theo thời gian, căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, phần mái đã hư hỏng nặng, bức tường đầy rêu mốc thì đã nứt dọc, nứt ngang, những ngày mưa, trong nhà cũng như ngoài sân.
Bà Lương cho biết, những năm trước còn chút sức lực, bà có thể đi nhổ cỏ, rửa bát thuê ngày cũng kiếm được vài chục ngàn đồng. 2 năm nay, sức khỏe suy kiệt, các căn bệnh thấp khớp, thoái hóa dạ dày…, thi nhau hành hạ khiến bà không thể làm được việc gì.
Cho dù bệnh tật đầy mình, nhưng không có bất cứ khoản thu nhập nào, nên bà Lương cũng chưa một lần được nằm viện chữa trị. Đến cái ăn hàng ngày vẫn còn phải nhờ vào bà con, hàng xóm và Hội Chữ thập đỏ xã cứu trợ.
"Tháng tôi được Hội Chữ thập đỏ xã cho 10 kilogam gạo. Thức ăn thì tôi ra đồng hái rau dại về chấm muối. Thấy tôi ăn uống kham khổ, thi thoảng hàng xóm cho quả trứng, bìa đậu. Gần đây, những hôm thay đổi thời tiết căn bệnh viêm khớp làm tôi không đi được. Nhiều hôm thấy tôi không ra khỏi nhà, bà con đem cơm sang cho. Tôi mang ơn và cũng ngại bà con hàng xóm lắm, nhưng để có tiền nằm viện thì tôi không dám nghĩ đến…", bà Lương ứa nước mắt.
Nói về hoàn cảnh người phụ nữ bất hạnh này, anh Nguyễn Văn Trung- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hiệp Hòa cho biết:
"Trở về Việt Nam sau nhiều năm bị bán sang Trung Quốc, bà Lương không có gì ngoài sức lực suy kiệt. Nắm bắt được hoàn cảnh của bà, Hội Chữ thập đỏ cùng với chính quyền địa phương cũng đã chung tay giúp đỡ để bà ấy có chỗ ăn, chỗ ở, tuy nhiên, địa phương còn nghèo, nên sự giúp đỡ này còn rất hạn chế. Qua đây, chúng tôi tha thiết mong Báo Dân trí và các nhà hảo tâm dang rộng vòng tay giúp đỡ bà ấy…".
Bà Lương không dùng điện thoại, bạn đọc có thể liên hệ qua số anh Trung, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hiệp Hòa: 0912181703
Mới hơn hai tuổi nhưng Huệ mang trong mình một lúc hai căn bệnh quái ác. Không có tiền đưa con đi bệnh viện, vợ chồng nghèo bất lực nhìn con trai...
Đã hơn 3 tháng sau vụ tai nạn giao thông kinh hoàng cướp đi mạng sống của 2 vợ chồng người con trai, bầu không khí tang tóc, thê lương vẫn còn bao...