Theo giới thiệu của cán bộ xã An Hữu (Cái Bè, Tiền Giang), gia đình bà Lê Thị Chía (66 tuổi, ngụ ở ấp 4) là hoàn cảnh khó khăn nhất xã. Bà Chía đã già, sức khỏe yếu nhưng vẫn phải còng lưng nuôi 3 đứa cháu nhỏ, trong đó một đứa bại não nằm liệt giường.
Theo chân đoàn cán bộ, PV bất ngờ khi được dẫn đến một ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới, cao ráo. Trong nhà cũng có một số đồ đạc được sắp xếp ngăn nắp, tinh tươm.
"Anh nhìn vậy chứ không phải đâu, 2 tháng trước 4 bà cháu vẫn không có chỗ ở che được mưa gió. Nhà mới này là một đơn vị thiện nguyện vừa cất cho xong.
Giờ chỗ ở thì có, nhưng không ai làm ra tiền nên tiền ăn của cả nhà, tiền học cho mấy đứa vẫn không có. Vậy nên địa phương vẫn đang tiếp tục vận động", một chiến sĩ công an trong đoàn cán bộ giải thích khi nhận thấy chúng tôi băn khoăn.
Trong nhà, Phan Thị Trúc Ly (15 tuổi) và Phan Thị Trúc Anh (12 tuổi) đang học bài. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng 2 chị em đều rất ham học và học khá, giấy khen đã dán kín một mảng tường.
"Con học cũng được, năm nào cũng được 2 giấy khen. Chị em con thì muốn đi học nữa, nhưng giờ nội yếu quá rồi, chắc nội nuôi không nổi.
Nếu đi học thì phải đi cả ngày, chỉ được nghỉ chủ nhật, không phụ nội đi hái thuốc được. Còn nếu muốn phụ nội thì phải nghỉ học", Trúc Ly ngậm ngùi.
Ở một góc nhà, Phan Thanh Hoàng (11 tuổi) bị bại não đang nằm thở khò khè trên võng. 11 tuổi nhưng Hoàng chỉ nặng chưa tới 15kg. Do mang bệnh lại không có điều kiện thuốc thang, ăn uống đầy đủ nên giờ đây cậu bé chẳng còn đủ sức để ngoái đầu, chỉ nằm im liếc mắt nhìn mọi người đi lại.
Từ khi cha mẹ bỏ lại, Hoàng đã nằm trên lưng bà Chía đi khắp nơi. Khi thì đi xin cơm, khi thì đi xin tiền mua thuốc, có khi 2 bà cháu địu nhau chui rúc trong những bụi rậm ở mé sông để nhổ cây thuốc Nam mang về bán.
Bên hông nhà, bà Chía đang ngồi thái cây thuốc Nam. Những gánh nặng cuộc đời đã kéo lưng bà cụ đã còng gập xuống. Khuôn mặt hiện lên rõ sự khắc khổ, đôi mắt bà Chía đã mờ đục, tóc bạc cũng đã rụng nhiều.
"Cha mẹ bọn nó ly hôn khi thằng Hoàng mới chưa đầy 3 tuổi, kể từ đó mẹ nó chưa quay lại lần nào. Cha chúng nó cũng lấy vợ mới rồi ở bên nhà vợ chứ chẳng cho bà cháu tôi được cái gì cả.
Trước đây là 4 đứa, nhưng đứa thứ 2 mất vì bệnh 3 năm trước. Hồi còn khỏe, còn thấy đường thì tôi buộc cháu ở sau lưng đi xin ăn, đi hái thuốc được, giờ không làm nổi nữa", bà Chía kể.
Mỗi tuần chỉ có một ngày chủ nhật là chị em Ly được nghỉ học. Trúc Anh ở nhà chăm Hoàng, Ly đạp xe chở bà Chía đi tìm cây thuốc để kiếm thu nhập.
"Để tìm được cây thuốc con phải chở bà đi đến mấy nơi hoang vu, có khi đi xa hơn 20km. Mỗi tuần chỉ có một ngày nhưng nếu mưa thì phải chịu nghỉ.
Lấy thuốc về sẽ tranh thủ hôm nào nắng thì thái ra phơi. Mỗi tháng gom bán cũng chỉ được mấy trăm nghìn, có lúc mưa quá không phơi được thuốc hỏng cũng phải bỏ", Ly kể.
Nói về ăn uống hàng ngày, bà Chía cho biết nếu hôm có tiền thì cả nhà có cá ăn hoặc có khi bà cũng mua một ít thịt cho các cháu. Những hôm không có tiền mấy bà cháu chỉ ăn cơm rau chan nước tương.
"Buổi sáng tôi nấu cơm cho cháu mang đi học nhưng có những hôm chẳng có thức ăn gì, nghĩ tủi cho bọn nó lắm. Giờ không làm gì ra tiền, cũng chẳng còn sức đi xin nên đói no gì cũng phải chịu", bà Chía chua xót.
Ông Nguyễn Văn Thí - Phó trưởng ấp 4 xã An Hữu cho biết gia đình bà Chía là hộ nghèo nhiều năm nay, không có khả năng thoát nghèo. Những năm qua địa phương luôn quan tâm, kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ tiền ăn học cho các cháu bà Chía.
"Mỗi lần có quà từ nguồn nào địa phương cũng đều ưu tiên cho gia đình bà Chía. Mới đây chúng tôi đã vận động được mạnh thường quân xây cho bà cháu ngôi nhà. Rất mong thông qua Báo Dân trí, bạn đọc hỗ trợ cho các cháu của bà Chía tiền ăn học để các cháu có điều kiện khôn lớn nên người", ông Thí nói.
Căn nhà nhỏ của ba mẹ con chị Phạm Thị Bưởi (36 tuổi, tạm trú tại khối phố Phú Phong, phường An Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) nằm hiu quạnh ở cuối một...
Chồng và 2 con trai cùng mắc bệnh tâm thần. Gần 20 năm qua, trong căn nhà của bà Hiếu, người ta chỉ nghe thấy những tiếng la hét, đập phá của người...